TỔNG QUAN VỀ KỲ THI NĂNG LỰC HÁN NGỮ (HSK)
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ KỲ THI HSK
Kỳ thi Năng lực Hán ngữ (HSK) và Năng lực khẩu ngữ Hán ngữ (HSKK) là kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ quốc tế của những người mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Trung (bao gồm người nước ngoài, Hoa kiều và người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc) do Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài – CLEC (Center for Language Education and Cooperation) trực thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc tổ chức. HSK là viết tắt phiên âm “Hànyǔ Shuǐpíng Kǎoshì” của cụm từ “汉语水平考试”; còn HSKK là viết tắt phiên âm “Hànyǔ Shuǐpíng Kǒuyǔ Kǎoshì” của cụm từ “汉语水平口语考试”. Kỳ thi HSK được tổ chức định kỳ hằng năm ở Trung Quốc và nước ngoài, tất cả những người có thành tích thi đạt tiêu chuẩn đều được nhận chứng chỉ HSK (汉语水平证书) theo cấp độ tương ứng.
Hiện tại có hai hình thức thi HSK phổ biến đó là thi trên giấy và thi trên máy tính. Tuy nhiên, dù là hình thức nào thì độ khó, nội dung, cấu trúc bài thi HSK đều giống nhau. Điểm khác biệt dễ thấy là cách thức làm bài khiến cho hai hình thức này có những ưu và nhược điểm riêng.
Thi HSK trên máy tính tương tự như thi trên giấy, kiểm tra người thi 3 kỹ năng: nghe, đọc và viết, tương ứng với từng cấp độ từ HSK 1 đến HSK 6. Theo quy định mới được ban hành gần đây, thí sinh tham gia thi HSK 3 trở lên buộc phải ghi danh thi thêm HSKK (khẩu ngữ) từ 初级 (sơ cấp) đến 高级 (cao cấp) tương ứng. Thí sinh bắt buộc phải tới địa điểm tổ chức thi theo quy định để làm bài thi trên máy tính đã chuẩn bị riêng cho mỗi thí sinh. Cụ thể:
HSK phần thi Nghe: Sử dụng tai nghe riêng biệt.
HSK phần thi Đọc: Chọn đáp án trên máy tính.
HSK phần thi Viết: Sử dụng bộ gõ pinyin.
HSKK: Sử dụng tai nghe tích hợp micro để ghi âm câu trả lời.
I. CẤU TRÚC ĐỀ THI HSK
Kỳ thi HSK đổi mới là Kỳ thi tiêu chuẩn hóa năng lực Hán ngữ quốc tế nhằm khảo sát năng lực giao tiếp bằng tiếng Hán trong sinh hoạt, học tập và công tác của thí sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Hán. Kỳ thi HSK đổi mới được chia thành hai bộ phận: thi viết và thi nói. Thi viết và thi nói tương đối độc lập với nhau. Thi viết bao gồm: HSK (cấp 1), HSK (cấp 2), HSK (cấp 3), HSK (cấp 4), HSK (cấp 5), HSK (cấp 6). Thi nói bao gồm HSK (sơ cấp), HSK (trung cấp) và HSK (cao cấp), thi nói sử dụng hình thức ghi âm.

Thi viết HSK các cấp:
Các cấp thi HSK (1-6) và cấu trúc đề, số lượng câu hỏi

Dạng đề và số lượng câu hỏi cụ thể của HSK cấp 1-6



Thi nói HSK (HSKK) các cấp:
Số lượng câu hỏi, thời gian thi nói HSK các cấp

Dạng đề và số lượng câu hỏi trong thi nói HSK các cấp

Các câu hỏi trong phần thi trả lời câu hỏi của HSKK sơ và trung cấp đều có phiên âm.
II. CÁC CẤP ĐỘ CỦA KỲ THI
Quan hệ tương ứng giữa các đẳng cấp HSK đổi mới với “Tiêu chuẩn năng lực Hán ngữ quốc tế”, “Khung tham khảo chung ngôn ngữ châu Âu (CEFR)” được biểu thị như biểu bảng dưới đây:

通过HSK(一级)的考生可以理解并使用一些非常简单的汉语词语和句子,满足具体的交际需求,具备进一步学习汉语的能力。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 1 có thể hiểu và sử dụng một số câu và từ ngữ tiếng Trung vô cùng đơn giản, đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể, có khả năng tiếp tục học tiếng Trung.
通过HSK(二级)的考生可以用汉语就熟悉的日常话题进行简单而直接的交流,达到初级汉语优等水平。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 2 có thể dùng tiếng Trung để tiến hành giao lưu đơn giản và trực tiếp bằng Hán ngữ theo những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, đạt đến trình độ cao nhất của cấp bậc sơ cấp tiếng Trung.
通过HSK(三级)的考生可以用汉语完成生活、学习、工作等方面的基本交际任务,在中国旅游时,可应对遇到的大部分交际任务。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 3 có thể hoàn thành việc giao tiếp cơ bản bằng tiếng Trung trong sinh hoạt; học tập; công việc và các lĩnh vực khác. Khi du lịch tại Trung Quốc; có thể đáp ứng đại đa số các tình huống giao tiếp gặp phải.
通过HSK(四级)的考生可以用汉语就较广泛领域的话题进行谈论,比较流利地与汉语为母语者进行交流。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 4 có thể dùng tiếng Trung để thảo luận vấn đề thuộc các lĩnh vực tương đối rộng, có thể dùng tiếng Trung để giao tiếp với người Trung Quốc bản địa tương đối thuận lợi.
通过HSK(五级)的考生可以阅读汉语报刊杂志,欣赏汉语影视节目,用汉语进行较为完整的演讲。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 5 có thể đọc được báo chí tiếng Trung; thưởng thức phim ảnh tiếng Trung; dùng Tiếng Trung để thuyết trình một cách tương đối hoàn chỉnh.
通过HSK(六级)的考生可以轻松地理解听到或读到的汉语信息,以口头或书面的形式用汉语流利地表达自己的见解。
Những thí sinh đạt được HSK cấp 6 có thể dễ dàng nghe hoặc đọc hiểu những tin tức tiếng Trung; dùng hình thức ngôn ngữ nói hoặc sách vở để biểu đạt một cách suôn sẻ những kiến giải của bản thân.
III. ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC THI HSK
Các địa điểm tổ chức tại Việt Nam sẽ dựa vào lịch do Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài – CLEC (Center for Language Education and Cooperation) công bố để tổ chức các đợt thi cho từng điểm thi.
Hiện nay, tại Việt Nam có các địa điểm thi HSK sau:
1. Trường Đại học Hà Nội
Địa chỉ: Km 9 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Bắc, Nam Từ Liêm, Hà Nội
2. Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Phạm Văn Đồng, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
3. Trường Đại học Thái Nguyên
Địa chỉ: Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên
4. Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế
Địa chỉ: 57 Nguyễn Khoa Chiêm, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
5. Trung tâm huấn luyện và khảo thí Duy Tân LTC
Địa chỉ: Tầng 5, 254 Nguyễn Văn Linh, TP. Đà Nẵng
6. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 280 An D. Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
7. Trường Đại học Thành Đông – Hải Dương
Địa chỉ: Số 03 Vũ Công Đán, Tứ Minh, Thành phố Hải Dương, Hải Dương
IV. CẤP THI – LỆ PHÍ THI – SỐ LƯỢNG THÍ SINH THAM GIA
HSK 1: 500.000đ
HSK 2: 630.000đ
HSK 3 + HSKK 初级 (HSKK sơ cấp): 1.250.000đ
HSK 4 + HSKK 中级 (HSKK trung cấp): 1.500.000đ
HSK 5 + HSKK 高级 (HSKK cao cấp): 1.750.000đ
HSK 6 + HSKK 高级 ((HSKK cao cấp)): 2.000.000đ
Số lượng thí sinh đăng kí tham gia trong một đợt thi sẽ dựa vào địa điểm tổ chức thi công bố làm chuẩn.
V. QUY ĐỊNH CHUNG TRONG PHÒNG THI
1. Đồ dùng khi thi
Vào ngày thi, thí sinh phải mang theo:
+ Giấy báo dự thi.
+ Giấy tờ tùy thân bản chính hợp lệ, có ảnh, phù hợp với thông tin đã đăng ký (bản sao không hợp lệ).
+ Thí sinh tham gia thi giấy phải mang theo ít nhất 2 cây bút chì 2B và cục tẩy. (Đối với thi trên giấy)
+ Thí sinh không được mang bút và giấy nháp. (Đối với thi trên máy tính)
+ Các đồ dùng cá nhân khác của thí sinh phải để vào nơi cất giữ do giám khảo chỉ định, không được mang theo người. Vui lòng không mang theo vật có giá trị vào phòng thi, nếu xảy ra mất mát ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm.
+ Thí sinh không cung cấp được giấy báo dự thi và giấy tờ tuỳ thân hợp lệ sẽ không được vào dự thi. Lệ phí thi không được hoàn lại.
2. Thời gian vào phòng thi
Thí sinh nên đến phòng thi trước giờ làm bài 30 phút để tránh bị trễ giờ. Sau khi vào phòng thi cho đến khi kết thúc bài thi nghe, thí sinh không được ra vào phòng thi.
+ Trước khi phần nghe bắt đầu, thí sinh đến muộn có thể vào phòng thi để làm bài; sau khi phần thi nghe bắt đầu, thí sinh đến muộn có thể vào phòng thi sau khi kết thúc phần thi nghe để làm phần thi đọc, không được làm bù thời gian đã mất; sau khi phần thi đọc bắt đầu, thí sinh đến muộn không được vào phòng thi để làm bài thi.
+ Trước khi bắt đầu ghi âm, thí sinh đến muộn được vào phòng thi để làm bài thi, không được làm bù thời gian đã mất; sau khi bắt đầu ghi âm, thí sinh đến muộn không được vào phòng thi để làm bài thi.
3. Hình thức thi
+ Thí sinh dự thi theo sự sắp xếp của giám thị.
+ Thí sinh phải trả lời trên phiếu trả lời và tất cả nội dung trên phiếu trả lời được điền bằng bút chì 2B. (Đối với thi trên giấy)
+ Thí sinh sử dụng chuột và bàn phím để làm bài, bài thi sẽ được tính giờ tự động. (Đối với thi trên giấy)
+ Câu trả lời của phần thi nói được ghi lại tại chỗ, thí sinh sử dụng thiết bị ghi âm độc lập của mình để thực hiện bài thi theo sự sắp xếp của giám thị.
4. Nội quy thi
+ Thí sinh phải ngồi vào chỗ đã định, thí sinh không có quyền chọn chỗ.
+ Thí sinh phải tuân theo hướng dẫn của giám thị chính, tuân thủ nội quy của kỳ thi và hoàn thành từng phần thi một cách độc lập.
+ Không nghỉ giữa giờ, nếu vì lý do đặc biệt mà thí sinh phải rời điểm thi giữa chừng thì phải được sự đồng ý của cán bộ coi thi, trước khi ra khỏi phòng thi gửi lại phiếu dự thi và giấy tờ tuỳ thân cho giám thị. Sau khi thí sinh trở lại phòng thi, giám thị sẽ trả lại giấy báo dự thi và giấy tờ tùy thân cho thí sinh.
+ Với bài thi nói, thí sinh không được ra khỏi phòng thi trong thời gian làm bài, nếu muốn rời khỏi phòng thi thì chỉ có cách huỷ bài thi.
5. Xử lý tình huống khẩn cấp
+ Thí sinh gặp phải những tình huống bất công do những sai sót trong quản lý phòng thi gây ra, ví dụ như không đủ thời gian thi, đề thi bị hư hỏng, thiết bị thi bị hỏng… dẫn đến việc thí sinh không thể hoàn thành bài thi, tổ chức Hankao quốc tế sẽ mau chóng sắp xếp kỳ thi lại, thí sinh được thi lại miễn phí trong thời gian sớm nhất và không chịu bất kỳ khoản đền bù thiệt hại gián tiếp nào, địa điểm thi không được thay đổi.
+ Vì lý do bất khả kháng, như thiên tai, tai nạn, khiến không thể dự thi, ban tổ chức sẽ thu xếp cho thí sinh thi lại trong thời gian sớm nhất hoặc hoàn trả đầy đủ lệ phí thi và không chịu bất kỳ khoản bồi thường thiệt hại gián tiếp nào.
6. Thí sinh vắng mặt
+ Nếu thí sinh vắng mặt trong ngày thi vì các lý do không phải do ban tổ chức thì sẽ không được hoàn lại lệ phí thi.
7. Vi phạm và Hình phạt
+ Thí sinh không được mở trước đề thi, làm bài chéo, không được xé, thay đổi hoặc sao chép nội dung đề thi, không được mang đề thi và đáp án ra khỏi phòng thi. Nếu thí sinh có những hành vi như gian lận, thi hộ, sao chép, lôi kéo, không làm theo hướng dẫn của cán bộ coi thi thì điểm thi sẽ bị hủy bỏ.
VI. SƠ LƯỢC VỀ CÁCH LÀM BÀI THI HSK TRÊN GIẤY
Vui lòng bấm vào từng cấp độ để xem thêm chi tiết
VII. SƠ LƯỢC VỀ CÁCH LÀM BÀI THI HSK TRÊN MÁY TÍNH
HSK phần thi Nghe: Sử dụng tai nghe riêng biệt.
Khi trong phần nghe thì thí sinh được tự do di chuyển đến bất kì câu hỏi nào, do đó khuyến khích bạn nên chủ động đọc lướt qua đáp án của các câu để suy đoán trước câu hỏi sẽ hỏi gì, trong lúc nghe thì nhiều khả năng bạn sẽ bị bẫy thông tin trong bài nghe, do đó hãy cố gắng lắng nghe và đừng để mất tập trung, kết hợp với suy đoán câu hỏi để nắm bắt nội dung từ khoá của bài nghe để không bỏ lỡ thông tin quan trọng nhất thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn ra đáp án chính xác. Sau khi chọn xong rồi nên chủ động nhấn nút 下一题 để chuyển sang câu tiếp theo đọc trước đề (vì để máy tự chuyển là sẽ không có kịp thời gian đọc trước đâu nhé). Ví dụ từ câu 4 chuyển sang câu 5 thì thời gian để bạn đọc đề câu 5 chỉ có vài giây cuối của câu 4).
HSK phần thi Đọc: Chọn đáp án trên máy tính.
Đối với phần thi này thì thí sinh chỉ cần click chuột chọn đáp án từng câu. Phần sắp xếp thì phải gõ lại (ví dụ gõ BCA vào ô trả lời để sắp xếp theo thứ tự BCA). Do được chỉnh size chữ nên bạn nên chọn size 大 trước khi đọc cho đỡ mỏi mắt và tập trung hơn nhé.
HSK phần thi Viết: Sử dụng bộ gõ pinyin.
Phần sắp xếp câu thì thí sinh chỉ cần kéo thả chuột chứ không cần chép lại. Còn phần viết câu thì cứ gõ pinyin như bình thường (bộ gõ tương tự như bộ gõ mặc định của Windows hoặc trên điện thoại), điều đặc biệt cần chú ý dấu chấm câu khi cần thiết nhé.
Khi làm xong câu nào thì sẽ có một cây bút hiện lên ở khu điều hướng phía bên tay trái. Ngoài ra bạn cũng có thể đánh dấu * vào câu chưa chắc chắn để tiện cho cuối giờ xem lại.
VIII. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LÀM BÀI THI TRÊN MÁY TÍNH
Khi tiến hành làm bài thi, để tránh các sự cố không đáng có làm ảnh hưởng đến quá trình thi, các thí sinh cần lưu ý một số cách thi HSK trên máy tính sau:
1. Kiểm tra lại thông tin
Trước khi bắt đầu làm bài, bạn hãy kiểm tra kỹ lại các thông tin đăng ký của mình đã đúng hay chưa như họ tên, quốc tịch, giới tính, ngày sinh, số báo danh, cấp thi,… Đồng thời, bạn cũng cần đọc kỹ quy định phòng thi để tránh xảy ra tình trạng phạm quy khiến mất quyền thi nhé!
2. Kiểm tra tai nghe
Mỗi địa điểm dự thi HSK sẽ có điều kiện về cơ sở vật chất khác nhau. Trước khi làm bài thi, bạn hãy kiểm tra lại tai nghe xem có vấn đề hay trục trặc gì không, âm lượng có đảm bảo phù hợp. Nếu phát hiện có vấn đề gì hãy báo lại với giám thị coi thi ngay lập tức để họ kiểm tra và giải quyết kịp thời nhé!
3. Tận dụng 5 phút chuẩn bị để kiểm tra lại đáp án mỗi phần đề thi
Thí sinh hãy quan sát thời gian chạy lùi từ 5 phút về 0 giây ở phía bên trái màn hình. Mặc dù phần này máy sẽ không cho phép đọc lại nội dung 45 câu hỏi nhưng bạn hãy tận dụng nó để kiểm tra một lượt đáp án bài làm.
Một lưu ý dành cho bạn đó là thí sinh sẽ chỉ có duy nhất một lần để kiểm tra lại bài làm mỗi phần thi (nghe, đọc hiểu, viết). Tất nhiên, nếu thí sinh chuyển sang làm phần thi Đọc thì sẽ không thể quay lại làm phần nghe.
Tương tự như vậy, thí sinh làm xong phần thi Viết mà còn nhiều thời gian thì chỉ có thể kiểm tra lại bài làm chứ không thể xem lại phần thi Nghe hay phần thi Đọc được. Do đó, mỗi khi kết thúc một phần bài thi chuyển sang làm phần khác, thi sinh cần chắc chắn đã hoàn tất các câu hỏi rồi hãy chuyển tiếp nhé!
4. Cần biết kiểm soát thời gian làm bài thi
Mỗi phần thi HSK trên máy tính đều có quy định về khoảng thời gian nhất định. Ví dụ phần thi Đọc hiểu có thời gian làm bài là 40 phút (bao gồm cả thời gian xem ví dụ mẫu, làm bài và xem lại bài).
Thời gian đếm ngược chạy ngay trên bên trái màn hình. Phần thi Đọc hiểu không giống như Nghe hiểu (có thời gian riêng cho từng câu). Do đó, bạn hãy tận dụng thời gian đó để hoàn tất 40 câu đọc trong khoảng 40 phút. Lưu ý, hãy cố gắng làm bài nhanh nhất có thể để có thời gian check lại đáp án nhé!
5. Lưu ý khi đánh máy
Hình thức thi trên giấy bắt buộc thí sinh phải nhớ chữ Hán chi tiết theo từng nét nhưng thi máy mặc dù không biết nhớ chi tiết Hán tự nhưng cũng có một số vấn đề khác. Thông thường, nhiều bạn không nhớ rõ phiên âm dẫn đến gõ sai hoặc là ngay cả khi đã nhớ rồi mà vẫn chọn sai (bởi vì nhiều từ tiếng Trung có cùng pinyin).
Bạn nên nhớ rằng, việc nhớ sai mặt chữ Hán sẽ bị trừ kha khá điểm đấy. Do đó, bạn cần lưu ý kỹ viết cho đúng để đạt tránh bị mất điểm không đáng có nhé!
IX. SO SÁNH ƯU NHƯỢC ĐIỂM VỀ LÀM BÀI THI HSK TRÊN GIẤY VÀ TRÊN MÁY TÍNH
1. Làm bài thi HSK trên giấy
Ưu điểm:
+ Thí sinh được đọc trước yêu cầu, câu hỏi và các phương án của phần thi Nghe.
+ Thí sinh dễ dàng kiểm tra lại đáp án và nội dung của phần thi Đọc.
+ Thí sinh hoàn toàn có thể kiểm tra lại các phần đã làm trước đó và điều chỉnh (nếu cần thiết).
Nhược điểm:
+ Thí sinh dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của nhiều yếu tố bên ngoài khi làm bài nghe, dễ mất tập trung và không thể nghe rõ những nội dung quan trọng.
+ Thí sinh bắt buộc phải nhớ rõ cách viết chữ Hán, trình bày sạch, đẹp, rõ ràng, ngay ngắn để người chấm thi có thể đọc được.
2. Làm bài thi HSK trên máy tính
Ưu điểm:
+ Thí sinh không cần ghi nhớ cách viết chữ Hán như khi làm bài thi viết mà chỉ cần gõ pinyin là được. Lý do là khi làm bài trên máy, bạn chỉ cần sử dụng pinyin để gõ và nhập chữ Hán. Do đó, bạn không cần nhớ hết cách viết chữ, mà chữ cần nhận mặt được chữ Hán thôi thì vẫn có thể hoàn thành tốt bài thi.
+ Khi làm bài thi nghe, mỗi thí sinh có một tai nghe riêng. Vì vậy phần thi nghe rõ ràng, ít bị xao nhãng và bạn có thể tập trung cao độ, không bị ảnh hưởng bởi những âm thanh khác.
Nhược điểm:
+ Thi HSK trên máy tính dễ gặp tình trạng nhức mỏi mắt và rủi ro về thiết bị trong lúc thi HSK trên máy tính (tai nghe, bàn phím, mạng internet, màn hình, chuột,…).
+ Thí sinh hoàn toàn không thể đọc trước các phần trong bài thi HSK trên máy tính, do màn hình máy tính có hạn nên không thể hiển thi hết tất cả nội dung của phần đọc nên bạn phải bấm qua lại trang nhiều lần để đọc và chọn đáp án.
+ Thí sinh không thể kiểm tra lại các phần đã làm trước đó vì sau mỗi phần thì hệ thống sẽ tự động khóa lại.
+ Thí sinh phải nhớ kỹ pinyin và mặt chữ vì rất dễ gõ sai (trong tiếng Trung có rất nhiều Hán tự có cùng pinyin chỉ khác dấu).
+ Thí sinh phải nắm vững cách gõ bàn phím tiếng Trung trên máy tính (Ví dụ như âm ü,…). Không những thế, các bạn còn phải chú ý khi đánh máy các dấu câu trong tiếng Trung. Các dấu câu của tiếng Trung khác với tiếng Việt nên có rất nhiều thí sinh dễ bị trừ điểm khi dùng dấu câu sai.
X. THÔNG BÁO KẾT QUẢ THI
Kết quả thi HSK và HSKK sẽ có sau lần lượt 15 và 30 ngày làm việc kể từ ngày thi trên website chính thức của đơn vị tổ chức thi (không tính các ngày nghỉ lễ ở Trung Quốc)
Để tra cứu điểm thi, thí sinh truy cập: https://old.chinesetest.cn/index.do và nhập các thông tin được yêu cầu tại mục “Score”.
Chứng chỉ thi được chuyển về Việt Nam sau 60 ngày làm việc kể từ ngày thi. Thời gian để nhận chứng chỉ sẽ công bố theo từng địa điểm tổ chức thi cụ thể.